Phong Thủy – giao điểm giữa 2 nền Kiến trúc và Đô thị học Đông Tây
Có một câu ngạn ngữ khắc trên bia đá một đền thờ cổ Ai Cập ghi rằng: “Kiến trúc phải là TRIẾT HỌC nếu nó không muốn tự giới hạn mình như một thứ kỹ thuật xây cất đơn thuần”.
Từ ngày còn mài đũng quần trên ghế họa thất trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn, người viết luôn bị ý tưởng này ám ảnh và ngờ rằng tác giả của câu này không ai khác hơn KTS huyền thoại IMHOTEP. Đâu đó ở phương Đông vào thời đại này cũng xuất hiện một KTS tương tự như vậy. Tên ông là PHỤC HY. Cả hai ông khổng lồ này giống nhau ở chỗ đều là những nhà bác học – ở đây xin hiểu như nhà khoa học đồng thời nhà triết học – đầu tiên trong lịch sử loài người. Có điều khác ở chỗ chức danh thế quyền: Imhotep là quan, còn Phục Hy là Vua. Nếu Imhotep được các vua Ai Cập cho đúc tượng để vinh danh cho giới KTS chúng ta, thì Phục Hy, trái lại, mãi mãi là một giai thoại thần kỳ của người phương Đông. Người viết ngờ rằng Phục Hy, vì vậy, không phải là một cá thể nhỏ bé, đơn lẻ mà là một quần xã, có hàm lượng trí tuệ tập thể rộng lớn. Rằng Phục Hy không phải là một nhân vật, mà là, như ngày nay chúng ta hay gọi, một nền văn hóa. Nói theo ngôn ngữ Paul Ricoeur (1961) thì Phục Hy là nền văn minh, cấu thành từ các nền văn hóa của các dân tộc cộng sinh trên địa bàn không gian rộng lớn phía Đông lục địa Eurasia (Âu – Á).
Không biết người Nhật, người Hàn (những dân tộc được gọi là đồng văn với người Trung Quốc như chúng ta) có giành quyền “đồng tác giả” văn minh Đông Á hay không, riêng một bộ phận tiềm thức cộng thể mang tính dân gian (folklorique) của người Việt vẫn coi Phục Hy, và cả Thần Nông, là ông tổ của nền văn hóa mình, chí ít cũng về mặt tinh thần. Thật ra thì ai có thể chứng minh được nguồn gốc chủng tộc của Phục Hy?… Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì những giá trị mà Phục Hy có thể để mãi lại cho đời sau, trước tiên là cho các nền văn hóa Đông Á, không hề mang tính vật thể – dù đó là 8 quẻ Dịch kỳ diệu – mà ở tính phi-vật-thể hết sức dễ thương của nó.
Kiến trúc cũng là một trong những phạm trù ý tưởng của Phục Hy trong nhiệm vụ giải quyết bài toán cư trú cho con người, bởi con người, và vì con người (Human Habitat và Genius Loci). Bài toán sáng tạo này được các nền văn hóa kiến trúc phương Đông giải như thế nào từ hơn bốn ngàn năm nay vẫn còn là một bí ẩn chưa được giải mã…
Kiến trúc là một thuật ngữ Hán và Hán Việt. Nó không hề tồn tại ít ra cũng tại thời điểm MARCO POLO ghé thăm Trung Quốc. Không có thuật ngữ này không có nghĩa là tại phương Đông không tồn tại Nó. Họ gọi là gì? Thực tại kiến trúc hàng bao thế kỷ vẫn sờ sờ ra đó mà tên gọi thì không? Hay gọi là vô danh như Lão Tử? Đã đạo thì làm gì cần có tên mà đặt? Nhưng không đặt thì làm sao biết? Từ đời Tấn người Trung Quốc đã đặt tên cho nó là Phong thủy. Thật ra đó chỉ là tên gọi để chỉ “bí quyết công nghệ” của QUÁCH PHÁC, người được đời sau gán cho danh hiệu ông tổ của khoa Phong thủy. Còn người Việt mình thì vẫn trung thành với cái tên cúng cơm nguyên thủy từ thời Phục Hy là Địa lý, mà cụ Tả Ao NGUYỄN VĂN HUYÊN và cụ HÒA CHÍNH thời vua Lê chúa Trịnh là những đại biểu kiệt xuất.
Và đó là một trong nhiều hàm ý mà bản dự thảo (draft) bài tham luận muốn gởi đến Đại hội UIA’XX (trễ hạn nộp bài 5 tháng : khóa sổ tháng 3/98, gởi tháng 8/98) như một sự trình bày và miêu tả quá trình hình thành, phát triển và cơ sở phương pháp luận của Nó hơn là có tham vọng chứng minh giá trị thực tiễn về mặt khoa học theo nghĩa đen của từ này.
.
PHẦN A: ĐƯỜNG VỀ NHÀ LỚN (Thái Thất)
1. Ex Oriente Lux (Ánh sáng đến từ phương Đông)
UIA chào đời được nửa thế kỷ (1948) và phải đợi đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” nó mới hướng về phần thế giới không phải phương Tây còn lại. Việc UIA “trao gươm” cho một quốc gia phương Đông vào thời điểm chuyển tiếp giữa hai thế kỷ – hay rộng lớn hơn: hai thiên niên kỷ – mang ý nghĩa tượng trưng không nhỏ. Nó không chỉ củng cố niềm tin cho các quốc gia Châu Á trước thềm thế kỷ XXI, mà còn mở ra những triển vọng, những khả năng mới cho tất cả mọi nền kiến trúc địa phương đầy “bản sắc” vào ngôi làng toàn cầu. Và các đồng nghiệp Trung Quốc đã nổ lực một cách đáng khâm phục để biến bốn ngày cuối tháng 6/1999 thành những ngày lễ hội văn hóa – kiến trúc đầy màu sắc cho hơn sáu ngàn kiến trúc sư về Bắc kinh tham dự.
2. Nguyễn An đâu mà lắm vậy?
Trong không khí hân hoan chung đó, đoàn KTS. Việt Nam đã có một cuộc Bắc du hùng hậu: mười hai Nguyễn An vòng trong, 150 Nguyễn An vòng ngoài. Quả là một cuôc “biểu dương lực lượng” chưa từng có, đồng thời một tín hiệu đáng mừng cho tiền đồ kiến trúc đất nước. Hội nhập vào ngôi làng kiến trúc thế giới mà không đánh mất bản sắc dân tộc của mình, là động cơ chung của khối Nguyễn An kia? Đông, vui, hao! Nhưng là một cái hao đáng đồng tiền bát gạo. Riêng người viết, niềm vui còn được nhân đôi. Bài tham luận “phạm trường quy” sau cùng đã được trình bày từ 11 giờ 30 đến 12 giờ ngày 25/06/1999 tại Diễn đàn Khoa học Đại hội.
3. Hồn Trương Ba, da hàng thịt!
Vào thời điểm tháng 4/99 khi UIA công bố danh sách KTS. đọc tham luận, … nhiều đồng nghiệp ở Thành phố đã có không ít ý kiến “đóng góp”, đại loại “đánh trống trước của nhà sấm”, “múa rìu qua mắt thợ”, “chở củi về rừng”, “ấm ớ Tây Tàu nó cười cho” v.v và v.v… Trống Đông Sơn? Rìu họ Thạch? Gỗ rừng phương Nam?
Có một cái gì không “bình thường” trong những nhận định đại loại hay tương tự như vậy chăng? Không! Sẽ là rất bình thường nếu ta không quên rằng xưa kia trong mối giao tình lịch sử giữa Ta (Việt) và Bạn (Hoa) hai bên đều có “tiếp thu, tiếp biến văn hóa” lẫn nhau. Chuyện bánh ít bánh quy, có thể bên nhiều, bên ít, nhưng là có đi có lại, nào chỉ đơn phương, một chiều như không ít ý kiến ngộ tưởng. CỔ LOA ở Việt Nam và TRƯỜNG AN đời Hán ở Trung Quốc có cùng niên đại thế kỷ III TCN không phải là một dẫn chứng sinh động sao? Sự kiện càng có ý nghĩa khoa học lớn hơn vì thời điểm này diễn ra trước “10 thế kỷ đêm trường Bắc thuộc” khá lâu. Gần đây cũng vậy, khi phương Tây xuất hiện trên vũ đài lịch sử thế giới (phương Tây xin được hiểu theo ý nghĩa “những giá trị văn minh hiện đại” nói chung) chuyện “giao thoa, tiếp biến” nói cho oai, thật ra chỉ là cuộc hôn nhân cưởng ép, một chiều, từ Tây sang Đông, từ vật chất đến tinh thần, từ bên ngoài cho đến bên trong. Là hình mẫu, là thước đo giá trị các nền văn minh, văn hóa khác, phương Tây chính là ẩn dụ cho anh hàng thịt hùng mạnh đang thu tóm toàn bộ của cải thế gian, đối lập với hình ảnh thảm hại của bác Trương Ba, đại biểu cho phần thế giới còn lại. Kiến trúc “Trương Ba” phương Đông cũng gánh chịu chung cái số phận hẩm hiu, an phận của nó. Hình ảnh hàng ngàn cao ốc ở Bắc Kinh chiếm lĩnh không gian, lấn át thiên nhiên chỉ trong hai thập kỷ gần đây có thể coi là một dẫn chứng sinh động khác cho chuyện hàng thịt của Trương Ba thời nay ? Mà đâu chỉ Bắc Kinh. Danh sách có thể kéo dài đến vô tận : Thượng Hải, Quảng Châu, Hong Kong, Tokyo, Seoul, Hà Nội, Sài Gòn … Và phải đâu chỉ ở Châu Á. Cuộc “chiến đấu” giữa thiên nhiên một bên, con người và kiến trúc phía bên kia, ngày càng tỏ ra … “không cân sức”. Cái nhân tạo hãnh tiến thắng thế, còn thiên nhiên bao dung, thầm lặng thì bị đẩy lùi. Mối quan hệ tay ba giữa Con người, Kiến trúc và Thiên nhiên phải chăng đã đến lúc cần được xem xét và nhìn nhận lại một cách nghiêm túc ở một mức độ khác tại thời điểm cuối thế kỷ XX này?
4. Thiên nhiên: một, hai, ba!
Năm 1884, Marx phát biểu: “sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người quan hệ khăng khít với thiên nhiên. Điều đó chẳng qua có ý nghĩa là thiên nhiên khăng khít với chính bản thân nó, vì con người là một bộ phận của thiên nhiên”. Mệnh đề có thể thu gọn : con người = thiên nhiên một. Xin quay lại với không khí lễ hội Bắc Kinh bằng hình ảnh cách phục sức của đoàn đại biểu nước ta. Đoàn ta ăn mặc phải nói là chỉnh tề và trang nhã. Ngoài chiếc áo dài đậm đà bản sắc dân tộc của chị Tuyết (đoàn Tp.Hồ Chí Minh), mười một bộ com-lê nam, với đầy đủ vét-tông, cà vạt, đã giúp cho việc định vị mười một Nguyễn An trong đám đông hơn sáu ngàn KTS. trở nên dễ dàng và thuận tiện vô cùng. Khoác cái bộ trang phục cao cấp rất Tây này có lẽ chỉ gồm các quan chức UIA, quý khách mời của Đại hội, và … chúng ta. Cái thiên nhiên hai này (tức y phục) được phủ lên thân thể chúng ta (thiên nhiên một vừa nói) một cách oai vệ và hợp thời.
Gần bảy ngàn “thiên nhiên một” xúng xính trong chừng đó “thiên nhiên hai” được tòa nhà Đại sảnh đường nhân dân Bắc Kinh, với tư cách là “thiên nhiên ba”, bao che, ôm ấp bên trong nó. Cái thiên nhiên ba này là tên gọi khác của thuật ngữ ARCHITECTURE mà phương Đông tạm dịch để chuyển tải các khái niệm về kiến trúc do quy phạm tư tưởng phương Tây ấn định. Trước kia người Trung Quốc, người Hàn, người Nhật, và cả người Việt, chắc hẳn không có cụm từ này … Vô số khái niệm khác tương tự, chẳng hạn : Triết học (philosophy), khoa học (science), nghệ thuật (art), thiết kế (design), quy hoạch (planning), hiện đại (modern), công nghệ (technology), tiên tiến (advanced), bản sắc (identity) … Vâng, hầu như toàn bộ từ điển đương đại phương Đông chỉ được dùng để dịch, nói cách khác, để chuyển tải các khái niệm tương tự với và quy định bởi phương Tây. Có thể nói không ngoa quy phạm và ngôn ngữ kiến trúc thế kỷ XX hoàn toàn thuộc về phương Tây hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này.
Kiến trúc Trương Ba minh triết ngày nào bổng trở nên quê mùa, lạc hậu đến thảm hại. Cuộc hành trình đi tìm lại bộ mặt thật (bản lai diện mục) của bác Trương không gì khác hơn nhằm trả lại linh hồn cho bác đúng với thân xác khỏe mạnh, lành lặn mà bác đã từng mang lấy xưa kia.
KTS. LÝ THÁI SƠN